Về Ly dị trong văn hoá VN và trong Thánh kinh

Hôm trước tham gia làm quân sư quạt mo trên trang của anh Chánh Văn (*) và được các bạn có vẻ rất thích, cả anh Chánh cũng đích thân vào khen, nên mình viết thêm một chút về chủ đề này.

Trong comment trả lời cho vấn đề của bạn, mình có viết một câu: “văn hoá của VN mình vô cùng gìn giữ tôn trọng giá trị gia đình với cả tâm hồn, mà khi ly dị rồi người ta mới nhận ra đã ly dị cả một phần bản sắc của mình”. Mình muốn viết thêm về ý này vì ngoài ngữ cảnh của câu hỏi và câu trả lời này, thì nó có thể làm một số bạn tủi thân: “Tui ly dị rồi thì đã sao, tui có tội tình gì!”. Ly dị thì tội tình gì mà đến cả trong Thiên Chúa gia cũng coi là tội, đến cả Chúa Giê-su cũng phản đối, và dẫn đến thực hành trong các Nhà thờ (Công giáo) ngày nay chỉ chấp nhận hôn nhân đầu tiên là duy nhất và mãi mãi. Có những cuộc hôn nhân không thể cứu vãn mà ly dị sẽ tốt hơn cho tất cả mọi người hoặc ít nhất 1 người hạnh phúc hơn chứ, ví dụ như có sự bạo hành hay ngoại tình?

Mình sẽ viết riêng hai phần về ý nghĩa của hôn nhân trong (1) văn hoá VN như trong câu mình viết cho bạn trên trang anh Chánh (2) những câu nói về hôn nhân và ly dị trong Thánh kinh của Thiên Chúa giáo mà mình đã đọc, dù là 2 phần này khi mình tìm về bản chất thì nhận ra sự tương đồng của nó, giống như người ta thường nói Trời dạy các dân tộc đồng đều như nhau. Vấn đề hôn nhân đồng tính cũng sẽ được đề cập trong 2 phần này.

(1) Trong văn hoá VN, dù là từ thời các cụ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, vợ chồng ngày cưới mới biết mặt nhau, vẫn sống chung thuỷ hạnh phúc tới già, hay thời hiện đại nam nữ tự do hẹn hò yêu đương, sự chung thuỷ và hạnh phúc tới đầu bạc răng long vẫn là hình mẫu mà đa số người Việt hướng tới.

Nền tảng và giá trị gia đình vẫn luôn là điều quan trọng gần như số 1 trong tâm hồn người Việt. Bạn có thể nói, thì bên phương Tây cũng vậy, có ai làm đám cưới mà không mong không tin sẽ sống với nhau đến “đầu bạc răng long”, nhưng họ vẫn ly dị đầy đó thôi. Đúng là môi trường hiện đại đã làm suy yếu nền tảng gia đình của người VN. Điều khác biệt với người Việt đó là việc ly dị là vết thương lòng lớn hơn nhiều của cả hai gia đình dòng tộc, bởi việc kết hôn trong văn hoá VN là liên hệ giữa hai dòng họ chứ không chỉ đơn giản chuyện giữa 2 người như văn hoá tự do và cá nhân của phương Tây.

Giá trị gia đình của VN là một tài sản tinh thần lớn mà nhiều khi người ta vì tự do cá nhân có thể bỏ quên, nghĩ rằng không thích nữa thì bỏ nhau dễ dàng. Vì thế nên mình mới viết câu ở trên về bản sắc văn hoá người Việt mình, để nhắc bạn ấy cũng như các bạn trẻ trân trọng hơn giá trị của gia đình, của hôn nhân vì nó nằm sâu trong bản thể, trong tinh thần dân tộc, mà có thể khi đánh mất người ta mới hối tiếc hoặc hoang mang lạc đường trong sự tự do mà không hiểu vì sao. 

Có anh bạn khá nổi tiếng của mình phản đối hôn nhân đồng tính, không phải là phản đối việc hợp pháp hoá, mà ảnh chỉ muốn gọi tên khác, ví dụ như hợp đồng sống chung có giá trị pháp lý ngang với hôn nhân. Anh chỉ không muốn gọi là hôn nhân vì ảnh không muốn thêm một điều nữa từ phương Tây làm suy yếu nền tảng gia đình của người Việt – điều mà anh nghĩ rằng đem lại sức mạnh lớn cho VN. Hiện tại thì VN còn chưa hợp pháp hoá mối quan hệ đồng tính ngang với hôn nhân, nhưng cũng không còn coi là bất hợp pháp như trước đây. Chuyện hôn nhân đồng tính cũng không được phần đông người VN ủng hộ, có lẽ cũng xuất phát từ nền tảng gia đình mạnh mẽ của VN.

(2) Trong Sáng thế ký (Genesis) chương 1. câu 27-28 viết: 

27 So God created mankind in his own image,
    in the image of God he created them;
    male and female he created them.

28 God blessed them and said to them, “Be fruitful and increase in number; fill the earth and subdue it.

Thiên Chúa tạo ra đàn ông và đàn bà để họ thành vợ chồng và sinh con đẻ cái. Câu này chính là nền tảng của định chế hôn nhân và là lý do Thiên Chúa gia không chấp nhận hôn nhân đồng tính (ngoài ra chương 19 – chuyện thành Sodom và Gomorrah có đề cập cụ thể đến chuyện homosexuality như là một tội lỗi). Nếu không có nền tảng theo đạo, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên tại sao chỉ một câu trong Thánh kinh lại có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến thế (nhiều người theo đạo rất cực đoan chống vấn đề đồng tính), nhưng cũng giống như văn hoá dân tộc, Thánh kinh là sự thể hiện bằng lời của văn hoá mấy ngàn năm, ý nghĩa và sức ảnh hưởng của từng lời trong đó không thể xem nhẹ.

Giống như những lời của Giê-su về ly dị: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phép phân chia” đã tạo thành truyền thống trong Ki-tô giáo, đặc biệt là Công giáo chỉ chấp nhận hôn nhân đầu tiên được phép tổ chức trong Nhà thờ là duy nhất và mãi mãi.

Cụ thể là trong Tân Ước, Tin mừng theo Ma-thi-ơ (Matthew) chương 19, câu 1-12. Đoạn này bắt đầu từ các người Pharisees và Saducees hỏi về việc đàn ông ly dị vợ. Để hiểu Matthew và Jesus, chúng ta cần hiểu những gì Jesus nói trong bối cảnh xã hội thời đó. Thời đó chỉ có đàn ông ly dị vợ, phụ nữ không có quyền ly dị chồng. Phụ nữ không có quyền gì trong gia sản. Người đàn bà bị chồng ly dị thì bị cả xã hội khinh khi xua đuổi, đói khổ. Vì vậy có thể hiểu được Jesus chống ly dị để bảo vệ người phụ nữ. Mình trích câu trả lời của Jesus về vấn đề ly dị dưới đây:

4 “Haven’t you read,” he replied, “that at the beginning the Creator ‘made them male and female,’[a] 5 and said, ‘For this reason a man will leave his father and mother and be united to his wife, and the two will become one flesh’[b]? 6 So they are no longer two, but one flesh. Therefore what God has joined together, let no one separate.”

“Các ông chẳng lẽ chưa đọc được lời chép, Ngài đã làm ra con người có nam có nữ, và Ngài đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly”.

Câu nói “vợ chồng gắn bó thành một xương một thịt” này chính là điều mình nói mình thấy tương đồng với nền tảng gia đình mạnh mẽ trong văn hoá VN. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp ngày nay ở những nơi mà phụ nữ bị bạc đãi – chồng uống rượu đánh đập vợ, bạo hành thường xuyên… thì đương nhiên chuyện ly dị là cần thiết để bảo vệ và giải thoát người phụ nữ. Hay như chuyện ngoại tình cũng ít người có thể chấp nhận, và Giê-su cũng đồng tình “I tell you that anyone who divorces his wife, except for sexual immorality, and marries another woman commits adultery.” (câu Matthew 19:9). 

Cho nên, ly dị không phải là tội lỗi gì cả, mà chỉ là một vết thương lòng ai cũng muốn tránh mà thôi. Nếu đã phải trải qua, thì hãy vì một lý do xứng đáng, vết thương sẽ sớm lành, và hạnh phúc trọn vẹn một lần nữa vẫn có thể đến nếu người ta học được từ thất bại của lần lựa chọn sai lầm trước.

Hay sống vui vẻ hạnh phúc một mình cũng chưa bao giờ sai, à Giê-su cũng có nói đến trường hợp này luôn: “Matthew 19:12 For there are eunuchs who were born that way, and there are eunuchs who have been made eunuchs by others—and there are those who choose to live like eunuchs for the sake of the kingdom of heaven. The one who can accept this should accept it.” (Có những người lựa chọn sống độc thân vì nước trời).

Hiểu biết về nền tảng gia đình và ý nghĩa của hôn nhân là một giao ước trọn đời, sẽ giúp các bạn trẻ tìm hiểu kĩ càng hơn trước khi quyết định bước chân vào hôn nhân, không có gì quan trọng hơn chuyện tìm được một người hợp tính hợp ý với mình để chung sống cả đời. Thiên đàng/nước trời được tạo thành từ trong hạnh phúc của mỗi gia đình. 

(*) Link câu quân sư quạt mo trên trang FB anh Chánh:

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid02Trwc9WTbMMw1qna72xPQYuK3oYXTfdGfaJrfytynG4RH61ts64iy21gHaLUi83xHl&id=100044528825704&mibextid=qC1gEa

Leave a comment