Về vấn đề phá thai

Tiếp theo Bài 1: Về chuyện con cái (1) Ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo (2) Phụ nữ có thể lựa chọn không có con được không?

(3) Phụ nữ có được quyền bỏ thai không?

Đây là một vấn đề cần được suy xét kĩ càng, bởi quyền của thai nhi là một quyền đặc biệt: chúng hoàn toàn không có khả năng tự bảo vệ mình, hoàn toàn phụ thuộc vào lòng xót thương của người mẹ. Ai sẽ là người đứng ra bảo vệ quyền của chúng, chỉ có thể là Nhà nước – Luật pháp. Đây là vấn đề của cả xã hội nên mỗi người chúng ta khi trưởng thành đều có trách nhiệm suy nghĩ kĩ về khía cạnh bản chất và khía cạnh thực hành xã hội của điều Luật này.

  • Khía cạnh bản chất

Về bản chất, hành động phá thai là hành động giết người. Mình biết điều này nghe đau lòng, nhưng chúng ta cần phải chấp nhận bản chất của nó trong khi cần tránh những tranh cãi cực đoan. Khi sang các nước phát triển mình nhận ra vấn đề của nước họ nằm trong mức độ gay gắt và cực đoan trong các tranh cãi này. Ví dụ bên chống phá thai dùng những hình ảnh và ngôn từ mang tính sát thương rất lớn, đến mức trong trường Đại học của mình bên Mỹ có thông báo cấm dùng những hình ảnh phá thai quá đẫm máu trong những Poster của các nhóm chống phá thai. Ngược lại, bên đòi “quyền tự chủ về cơ thể của phụ nữ” thì rất gay gắt gọi bên kia là “đạo đức giả” và nêu ra rất nhiều luận điểm ví dụ như những trường hợp có thai do hiếp dâm, trường hợp có bệnh/dị tật nguy hiểm đến tính mạng của mẹ hoặc con, và nếu có Luật chống phá thai thì chỉ khiến việc phá thai chui diễn ra với hậu quả nặng nề hơn cho xã hội chứ không thể giải quyết được vấn đề. Nhưng tranh cãi để giành “quyền phá thai” cho phụ nữ lại có thể gây ra một ảnh hưởng ngược, nhất là đối với những xã hội phân biệt nam nữ, như VN và Ấn Độ (* lược dịch trong comment), khi người ta lạm dụng quyền này để lựa chọn giới tính cho thai nhi, và làm mờ đi bản chất của vấn đề trong nhận thức của xã hội.

Những lập luận cực đoan gay gắt giữa hai bên thực ra chỉ xoáy sâu thêm vào nỗi đau mà không hướng đến một giải pháp đồng thuận, điều rất cần thiết cho việc lập pháp. Giới trẻ VN cũng đã từng vướng vào vết xe đổ này, qua chiến dịch “Mẹ ơi, đừng giết con” của 2 chàng trai kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị ban hành “Luật cấm nạo phá thai” đã tạo ra làn sóng phản ứng tranh cãi quyết liệt. Dưới áp lực của phía phản đối cho rằng đây là chiến dịch công kích phụ nữ, và yêu cầu về vai trò của người đàn ông, hai chàng trai đã phải đổi tên chiến dịch thành “Bố mẹ ơi, đừng bỏ con”. Đúng là người đàn ông không bao giờ vô can mà luôn luôn phải chịu trách nhiệm một nửa, nhưng quyết định cuối cùng về việc bỏ thai vẫn là ở người phụ nữ, vì đó là cơ thể của họ. Phụ nữ có được toàn quyền với cơ thể của họ bao gồm cả sinh linh mới có tình cảm đang hình thành trong họ hay không?

  • Khía cạnh nhận thức xã hội

Khi còn nhỏ, mình thậm chí còn tưởng rằng việc phá thai là một biện pháp trong kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát sự tăng dân số, bởi sự hợp pháp và phổ biến của nó ở VN. Sau này thì mình biết lý do là khoảng thập niên 1980s, 1990s, VN có chính sách kế hoạch hóa gia đình rất mạnh, giảm gia tăng dân số, khuyến khích mỗi gia đình nên có chỉ 2 con. Chính sách có trước đó ở miền Bắc, sau 1975 bắt đầu áp dụng cho cả nước khoảng đầu thập niên 1980s. Nhà nước do đó để mọi người tự do phá thai, chẳng có luật lệ gì cả. Tình trạng đó kéo dài cho đến ngày nay. Chiến dịch kiểm soát sinh đẻ lúc đó quan trọng cho VN đến mức thủ tướng Phạm Văn Đồng phụ trách kiểm soát sinh đẻ thời 1961-1975, tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, lúc làm phó thủ tướng, phụ trách “Ủy ban kiểm soát dân số và sinh đẻ có kế hoạch” từ 1984 đến 1987, và sau đó thủ tướng  Võ Văn Kiệt cũng  phụ trách công tác sinh đẻ có kể hoạch giai đoạn 1987-1991) (Wiki tiếng Việt: Võ Nguyên Giáp). Mình sinh ra trong giai đoạn 198x này vì thế mà mình đã không nghĩ rằng phá thai là một vấn đề vô nhân đạo, cho đến khi ra nước ngoài, nhìn thấy những tranh cãi gay gắt và có nhận thức sâu hơn về sự sống.

Vấn đề đã trở nên quá lớn ở VN bởi vì việc phá thai quá bình thường và quá nhiều, đứng thứ nhì thế giới. Khi mình học Đại học, chỗ mình ở gần hai bệnh viện, cả dãy đường phố nơi đó có những biển báo dịch vụ nạo phá thai tư nhân. Một trong những nguyên nhân khiến việc nạo phá thai ở VN cao đến mức báo động như vậy mình nghĩ nằm ở chỗ dịch vụ này quá phổ biến và dễ tìm như vậy. Nguyên nhân chính nữa có lẽ là sự suy thoái đạo đức xã hội – là nguyên nhân chung cho mọi vấn đề từ tham nhũng, đến gian lận thi cử, đến phá thai.

Định kiến xã hội thì chỉ nhằm vào giới trẻ chưa kết hôn “sống buông thả”, nhưng sự thật là độ tuổi từ 18-25 chỉ chiếm khoảng 1/4 số ca phá thai, có nghĩa là phần lớn những người phá thai là người đã có gia đình. Nhiều người bỏ thai con gái nhiều lần để mong kiếm con trai vì “Bỏ một đứa con gái tốn có 700.000đ thôi”. Luật ở VN cũng cho phép sự phá thai hợp pháp ở mức phi lý: 22 tuần tuổi. Điều này thể hiện nhận thức xã hội về bản chất của vấn đề ở tuổi trẻ không cao, và ở người trưởng thành thì bị che mờ bởi định kiến trọng nam khinh nữ và khát vọng có con trai. Với những người có nhận thức cao, nỗi đau của vấn đề này đối với cá nhân cũng như xã hội là rất lớn, chẳng thế mà việc chống phá thai/chống sát sinh đều được nêu lên trong những dòng tôn giáo chính thống. Các chùa, Nhà thờ đều có những cơ sở để chăm sóc những người phụ nữ có thai ngoài ý muốn và không đủ điều kiện để sinh con. Công giáo có hệ thống của các soeurs khuyến khích các em gái có thai thì giữ thai, về sinh con ở nơi các soeurs và các soeurs có thể giữ con và giúp cho em bé có cha mẹ nuôi. 

  • Khía cạnh Luật pháp trong thực hành xã hội

Đây là khía cạnh quan trọng nhất, cần sự suy ngẫm kĩ và thảo luận, đồng thuận của cả xã hội. Có người nói rằng Luật của VN cho phép phá thai ở tuần tuổi cao như vậy vì áp lực dân số quá lớn, khi cho phép phá thai thì Nhà nước không phải đối phó với sự tăng dân số quá nhanh. Nhưng Nhà nước không thể tránh né áp lực bằng cách trốn tránh bản chất nhân đạo của vấn đề. Chỉ khi chấp nhận bản chất vấn đề là nghiêm trọng, thì cả xã hội mới có thể hướng đến giải pháp rốt ráo. Chưa từng bao giờ trong lịch sử, việc tránh thai lại dễ dàng như bây giờ, nó cho phép người phụ nữ nắm lấy cơ hội kiểm soát sự sinh trong tay mình.

Đối với người trẻ, văn hóa VN vẫn còn ngần ngại sợ “vẽ đường cho hươu chạy” trong việc giáo dục giới tính và quan hệ tình dục an toàn cho tuổi trẻ, bắt đầu từ 18 tuổi và trong môi trường Đại học là cần thiết nhất. Giáo dục truyền thống về trân trọng cơ thể của mình, dồn năng lượng cho việc nỗ lực học hành và mài giũa bản thân trong khoảng 18-25 tuổi để làm nền tảng tốt nhất cho cuộc sống sau này đã được làm tốt. Song song với đó thì việc giáo dục về các phương pháp ngừa thai là cần thiết, nhằm làm tăng sự nhận thức của giới trẻ về sự quan trọng của phòng tránh thai khi có quyết định quan hệ với người khác giới. Khi hiểu biết hơn về ý nghĩa của sự sống và những hậu quả nặng nề về tâm linh, tâm lý và thể chất từ việc bỏ thai, người ta sẽ cẩn trọng hơn vì đó là nỗi đau chung chứ không phải quy kết tội về ai, tổn thương đã đủ lớn để cần chữa lành và giúp đỡ hơn là những lời dạy đạo đức.

Đối với người đã có gia đình, thái độ trọng nam khinh nữ, ham muốn có con trai do định kiến xã hội, thì ngoài việc giáo dục và tuyên truyền về bình đẳng nam nữ trong xã hội văn minh hiện đại, thì chỉ có Luật mới có thể bảo vệ được thai nhi (con gái). Nếu Luật cho phép phá thai, chúng ta sẽ cần thảo luận, ví dụ như không thể quá 10 tuần, 12 tuần hay 14 tuần, chứ như Luật VN hiện tại 22 tuần là không thể chấp nhận được, khi đó thai nhi đã trở thành một đứa trẻ hoàn chỉnh rồi, và Nhà nước có trách nhiệm phải bảo vệ chúng với những vấn đề an sinh xã hội liên quan.

Khi đã có an sinh ở mức độ cao như các nước phát triển, người ta muốn hướng đến hạn chế ở mức tối thiểu, là chỉ cho phép phá thai trong 3 trường hợp đặc biệt (i) có thai do bị hiếp dâm (ii) thai có dị tật nghiêm trọng và (iii) thai kì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ. Luật này ở Mỹ được gọi là “The heart-beat bill” – dự luật nhịp tim, cũng là đầu mối của những tranh cãi giữa hai phe như mình nói ở trên. Các sinh viên trường Đại học Dược ở Prathima, Ấn độ đã hỏi ý kiến của Sadhguru về dự luật này, mình lược dịch dưới comment.

3 Comments (+add yours?)

  1. Phạm Thu Hường
    Jul 08, 2023 @ 04:16:14

    (*) Sadhguru at Prathima Institute of Medical Sciences – Youth and Truth

    phút 15:35 đến phút 21:42
    Người phỏng vấn (Abhilasha): Sadhguru, “dự luật nhịp tim” gần đây đã được tuyên bố ở Hoa Kỳ; nó tuyên bố rằng bất kỳ người phụ nữ nào phá thai bất cứ thứ gì đã có nhịp tim – cô ấy ngay lập tức bị tuyên bố là tội phạm và đây là luật ở một quốc gia phát triển như Mỹ. Và hiển nhiên, có một số trường hợp chúng ta thấy mang thai do bị cưỡng hiếp, mang thai ở tuổi thiếu niên và cả thai kỳ với dị tật thai nhi. Và họ vẫn buộc phải có những đứa con này. Vì vậy, ông có nghĩ rằng luật pháp có thể tước đi quyền của người phụ nữ đối với tử cung của chính mình là hợp lý không?

    Sadhguru: Nghe này, tôi không ủng hộ những loại luật cực đoan như thế này, được chứ? Nhưng đồng thời, tôi muốn bạn nhìn nó với một khía cạnh rộng hơn một chút. Ở đất nước này, đã có rất nhiều người giết chính con gái của mình. Tôi đặc biệt nói là con gái vì điều đó xảy ra nhiều hơn với các cô gái; nó cũng xảy ra với các bé trai. Vì có người cha tin rằng “Dù sao thì con cũng là con của tôi. Nếu con không cư xử theo cách tôi muốn, tôi sẽ giết nó.” Điều đó đã xảy ra hay chưa? Không phải một hay hai trường hợp – nó đã xảy ra với số lượng khá đáng kể mà bạn không thể bỏ qua con số này. Nhiều trường hợp như vậy, nó đã xảy ra. Vậy quyền này đến từ đâu? Bởi vì đó là lý luận “Vì tôi mà nó được sinh ra, vì vậy nó phải làm những gì tôi muốn nó làm. Nếu không, tôi sẽ lấy lại cuộc sống của nó”.
    Vì vậy, tương tự, “Đó là tử cung của tôi, tôi sẽ làm bất cứ điều gì tôi muốn,” điều này sẽ xảy ra. Đồng thời, một người phụ nữ có quyền tự do làm những gì cô ấy muốn, nhưng những gì cô ấy muốn không có nghĩa là nó có thể vô trách nhiệm ở bất kỳ mức độ nào.
    Đã từng có lúc phụ nữ không có biện pháp tránh thai nào, đúng không? Ngày nay, có khá nhiều phương tiện tránh thai đáng kể, phải không? Vì vậy, quan điểm của tôi là trong vòng năm, sáu hoặc mười tuần hoặc mười hai tuần hoặc mười bốn tuần, người phụ nữa có thể chấm dứt thai kì nếu cô ấy không muốn tiếp tục. Nhưng nếu để đứa trẻ lớn lên nhiều hơn thế…
    Tôi đã thấy các trường hợp; Tôi đang nói điều này đặc biệt bởi vì tôi đã nhìn thấy nhiều người. Họ có bạn trai và họ có thai. Bây giờ, thai kỳ đã được năm tháng… Điều này thực sự tôi vừa mới gặp cách đây vài tháng. Người bạn trai đã bỏ cô ấy, có một số cuộc cãi vã và đánh nhau giữa họ, anh ấy đã bỏ đi. Bây giờ cô ấy muốn phá thai. Điều này là không ổn. Điều đó không thể tiếp tục xảy ra như thế này.

    Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể quyết định một số tuần nhất định. Theo nhận định của tôi, tôi nghĩ trước bốn mươi tám ngày nếu việc phá thai phải xảy ra thì tốt nhất; nhưng đôi khi một người phụ nữ có thể không biết rằng mình đang mang thai. Chúng ta hãy cho phép mười tuần, mười hai tuần, có thể là mười bốn tuần; bạn không thể đến 25 tuần, 30 tuần và cố gắng chấm dứt một đứa trẻ. Điều này không tốt vì nó còn sống – đó là một sự sống đang sống!
    Bạn phải hiểu rằng trong tất cả các sinh vật trên hành tinh này, một bào thai là một sinh mệnh bất lực nhất. Ngay cả một đứa trẻ nhỏ – một đứa trẻ hai tuổi, nếu bạn cố làm hại nó, nó sẽ cắn, nó sẽ đánh lại, nó có một số biện pháp tự vệ.
    Một bào thai là hoàn toàn phụ thuộc lòng thương xót của bạn. Bạn phải đối xử với nó với lòng từ bi tối đa. Vì sự thuận tiện của bạn, bạn không thể làm bất cứ điều gì bạn muốn. Đồng thời có ai khác quyết định việc này không? Không. Một người phụ nữ nên quyết định điều này – không có gì nghi ngờ về điều đó. Nhưng đồng thời, phải có một số loại chuẩn mực mà trong khoảng thời gian này nó phải xảy ra.
    Khi một đứa trẻ lớn lên trong bụng mẹ, có nhiều nghiên cứu quan trọng nói rằng đứa trẻ thậm chí còn phát triển tình cảm với mẹ. Bạn không thể giết một sự sống có cảm xúc, phải không?
    Vì vậy, tôi nghĩ rằng cả hai bên đều có quan điểm cực đoan. Đây là vấn đề.

    Hãy có một vị trí nhân đạo và thiết thực hơn. Tại sao bạn ủng hộ hoặc chống lại một cái gì đó? Đó là một vấn đề của cuộc sống, phải không? Làm thế nào để chúng ta xử lý vấn đề cuộc sống này? Tôi xử lý vấn đề cuộc sống này với sự tôn trọng nào? Vấn đề nó đã và đang xảy ra.
    Ngày hôm trước có một số thông tin nói rằng tỷ lệ nam nữ trong cả nước đã được cải thiện. Chúc mừng! Nhưng đồng thời, tại sao tỷ lệ đó lại giảm? Bạn có biết trước kia khi không có siêu âm, khi con của họ được sinh ra và là con gái; một điều đơn giản đã được thực hiện ở các ngôi làng là, họ lấy một ít hắc ín bỏ vào miệng. Nó mắc kẹt ở đâu đó và đứa trẻ chết một cách thê thảm, chỉ vì nó là con gái.
    Cho nên bây giờ, năm, sáu tháng người ta có thể phá thai, tại sao không phải mười tháng sau khi đứa bé đã ra đời? Tôi đang nói lý lẽ logic sẽ tự mở rộng chính nó; bạn phải cẩn thận về việc đưa ra các lý lẽ. Bởi vì đây sẽ là… hậu quả của việc ta làm hôm nay – ngày mai, mọi người sẽ đưa nó đến những thái cực nào? Điều này phải được tính đến bởi vì những gì tôi đang nói không phải là hiếm.
    Bao nhiêu ngàn người đã bị giết? Chỉ một số ít bị bắt. Phải không? Chỉ một số ít bị bắt. Hàng ngàn người đã bị giết. Bởi vì một đứa trẻ năm ngày tuổi, nếu nó chết, mọi người sẽ… bạn biết đấy, nghĩ rằng có điều gì đó đã xảy ra với đứa trẻ. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là có. Bao nhiêu trong số trẻ sơ sinh tử vong này thực sự là giết người? Không ai biết, được chứ? Vì vậy, chúng ta phải cẩn thận với những gì chúng ta tranh luận. Đây không phải là về “phe này với phe kia.” Chắc chắn cần phải có một cách xử lý nhân văn hơn đối với các vấn đề cuộc sống, phải không? (Khán giả vỗ tay)

    Reply

  2. Trackback: Về chuyện con cái | nicolethuhuong
  3. Phạm Thu Hường
    Jan 22, 2024 @ 12:41:03

    Khoảnh khắc nào thơ dại bỏ ta đi

    Em sẽ tặng anh một mảnh đời mình
    Nơi chính em cũng chưa từng bước tới…
    J.L. BORGES

    Khi xem xong bộ phim Juno (*), mấy cô cháu của tôi hỉ hả khen kết thúc phim thật có hậu, thật nhân bản. Riêng bà chị tôi ngồi trầm ngâm giữa đám con gái. Bộ phim đúng là rất vui nhộn, thực tế một cách hài hước, khiến các bậc cha mẹ phải suy nghĩ về cách ứng xử của mình khi con cái…lỡ lầm. Nhưng sự mãn nguyện của các cô gái với kết thúc phim đã khiến chị băn khoăn như tôi đang thấy trước mắt..

    Trong phim, Juno và cậu bạn trai của cô – người mẹ và người cha bất đắc dĩ – sau những ngày tháng quay cuồng đã trở lại con đường của mình…và tiếp tục cuộc đời còn rộng mở của họ. Đứa trẻ được ra đời, lớn lên dưới sự yêu thương của một người mẹ khác, và có thể nó sẽ hạnh phúc. Và Juno sẽ không phải mang gánh nặng của sự ăn năn như nhiều cô gái khác.

    Cháu gái tôi nhắc lại một mẩu tin trên báo, rằng vào ngày 1-10 vừa qua, có hơn 3.000 người đã đến chùa Từ Quang ở Sài Gòn để cầu siêu sám hối vì trót phá bỏ hoặc không thể giữ được sự sống cho hơn 5.000 thai nhi. Cô nói: “Trong số đó hẳn có nhiều người ước mình từng chọn lựa (và được chọn lựa) như Juno.”

    Chị tôi lặng im một hồi lâu rồi thốt lên rằng, bộ phim đã bỏ qua một điều rất quan trọng, vô cùng quan trọng. Đó là những vết thương lòng.

    Juno và bạn trai – dù muốn hay không, dù nhớ hay quên thì họ cũng đã là một người mẹ, và một người cha. Với cô bé và cậu bé, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nhưng chắc rằng, Juno đã mang trong tim mình một vết thương lòng. Cô có thể quên nó đi trong một đoạn đời còn trẻ và vô tư lự, nhưng khá chắc chắn là nó sẽ tấy lên khi cô đã là một người mẹ thực sự, và có những đứa con khác. Và một khi vết thương ấy rỉ máu trở lại, nó không bao giờ lành nữa.

    Hãy hỏi những người mẹ. Họ sẽ nói có một đứa con ngoài ý muốn và để cho nó rời khỏi mình theo bất cứ cách nào đều là một vết thương lòng. Những vết thương lòng của ký ức, đôi khi chúng chỉ là một vết sẹo nhỏ, nhạt nhoà, nhưng thật lạ lùng, chúng luôn có khả năng ngăn cản ta cảm nhận niềm hạnh phúc của thực tại mà ta đáng được hưởng. Giống như bạn đang ăn một chén cơm gạo mới thơm ngon và cắn phải một hạt sạn nhỏ. Cảm giác của hai hàm răng khi cắn vỡ hạt sạn sẽ xoá đi cảm giác ngon miệng trước đó, và sau đó. Thậm chí, đôi khi, ta nhớ cái cảm giác rạn vỡ đó suốt cả đời.

    Chúng ta vẫn đọc trên các diễn đàn, và báo chí, những tranh luận chưa bao giờ ngừng nghỉ về việc trao gửi thân xác trước hay sau hôn nhân. Chúng ta đôi khi, cười như mếu trước những khoảng cách xa lắc giữa các bài học đạo đức và dòng chảy thực tế của cuộc sống.

    Khi nào là sớm, khi nào thì muộn? Nếu bạn muốn nghe, thì tôi sẽ nói cho bạn nghe điều tôi thực sự nghĩ. Đó là, “khi nào” không quan trọng bằng “với ai”. Đây không phải là một bài học đạo đức, mà là điều xảy ra trong thực tế, hôm qua, hôm nay và rất lâu sau nữa. Với ai, đó là vấn đề.

    Có rất nhiều người tôi biết đã và đang cảm thấy hối hận cả đời, không phải vì sau hay trước, mà vì trao thân gửi phận không đúng người. Nghĩa là nếu đã nhầm người thì trước hay sau đám cưới đều khốn khổ như nhau. Khi hai mươi hay khi ba mươi tuổi đều xót xa như nhau. Với góc nhìn từ người ngoài, trao nhầm trước khi cưới thì đáng chê trách hơn. Nhưng với chính cuộc đời bạn, đôi khi, trao nhầm sau khi cưới còn tệ hơn nhiều. Nếu chỉ không đúng thời điểm, có thể người ta sẽ nuối tiếc. Nhưng không hối tiếc. Trái lại, nếu không đúng người, thì ở bất cứ thời điểm nào, người ta cũng sẽ hối tiếc.

    Vậy thì, khi nào là đúng thời điểm? Khoảnh khắc nào là hoàn hảo để ta xa lìa thơ dại? Phải chăng chỉ có một đáp án đúng duy nhất: đêm tân hôn? Phải chăng trước luôn là sai lầm, và sau luôn là tối thượng?

    Có người nghĩ rằng chỉ cần bước qua khỏi “tuổi trẻ em” và có đủ hiểu biết để ngăn ngừa một đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn nghĩa là đã sẵn sàng để tiến đến nơi đó – bờ cấm, ranh giới mà ta phải vĩnh biệt thơ ngây. Nơi ta rũ bỏ mọi lớp áo khoác ngoài, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nơi ta tiến đến trước mặt người ấy chỉ với bản thể của ta, chỉ ta, trọn vẹn ta, ngoài ra không gì khác… Nhưng không phải vậy. Sẵn sàng, là khi ta có đủ hiểu biết, tin cậy, và tôn trọng để ngăn ngừa những vết thương lòng.

    Khoảnh khắc ấy sẽ tuyệt diệu nếu có sự yêu thương và trân trọng với đối phương, và với chính bản thân mình. Hoặc tối thiểu, là sự tôn trọng. Đôi khi sự tôn trọng còn quan trọng hơn cả tình yêu. Bởi nếu có tình yêu mà thiếu sự tôn trọng, thì vẫn không đủ. Nếu có đủ sự tôn trọng và nhận đủ sự tôn trọng, bạn sẽ biết, và sẽ có nhu cầu học biết cách khiến việc đó trở nên tuyệt diệu. Ngược lại, nếu thiếu sự tôn trọng, đó sẽ chỉ là một trò chơi hay một hình phạt, hay một trải nghiệm của sự đổi chác, lừa dối, ép buộc, chiếm đoạt, phục tùng, chịu đựng, sợ hãi, xem thường, chán ghét…Và sẽ có ai đó tổn thương.

    Người ta nói nhiều về cảm xúc, về ngừa thai, về khoái cảm, nhưng người ta đôi khi quên nói điều này: khoảnh khắc đó là khi ta dễ bị tổn thương. Khi không còn gì giấu giếm, cũng có nghĩa là không còn gì để tự bảo vệ. Khi ta bộc lộ mình rõ nhất, thật nhất, trần trụi nhất, ấy là khi ta trở nên hoàn toàn dễ bị tổn thương. Điều đó đúng cho cả nam và nữ.

    Khi ta sẵn sàng ở vào trạng thái dễ bị tổn thương với ai đó, là bởi ta tin vào mối quan hệ sâu đậm. Khi ta trút hết lòng mình, cũng như khi ta trút hết xiêm y vậy, là bởi ta tin.

    Tuổi thơ ngây mãi mãi là thiên đường của đời người. Nếu quyết định lìa xa nó vào bất cứ thời khắc nào đi nữa, hãy chắc chắn rằng bạn lìa xa nó để đến một thiên đường khác, chứ không phải là địa ngục. Và hãy chắc rằng mình chọn đúng người bạn đồng hành. Nếu có bất cứ gợn suy nghĩ nào rằng bạn chưa sẵn sàng, rằng bạn chưa đủ tôn trọng, hay chưa nhận đủ sự tôn trọng. Rằng bạn chưa đủ tin cậy, và chưa được tin cậy đủ thì hãy dừng lại. Hãy chầm chậm thôi, không phải để đợi đúng lúc, mà đợi để biết chắc rằng ta gặp đúng người.

    Khi còn nhỏ, ta thường mong mình sớm trở thành người lớn, ta muốn bước ngay vào thế giới mênh mông đó, cùng với những quyền vô hạn định. Nhưng, sự thật đắng cay mà chúng ta phải đối mặt là gì? Không ai có thể cưỡng lại thời gian. Thế cho nên cái khoảnh khắc ta sẽ phải / được thành người lớn ấy – khoảnh khắc ta trở thành một người đàn ông, hay một phụ nữ thực sự – trước sau gì nó cũng đến. Và cùng với nó, là bình yên và sóng gió, hạnh phúc và đắng cay, niềm khoái cảm ngắn ngủi và vết thương lòng dai dẳng, những gì ta kỳ vọng và cả những gì ta không hề chờ đợi…đều hứa hẹn sẽ đến theo.

    Ngược lại, những tháng ngày thơ dại xa xưa sẽ bỏ ta đi mãi mãi. Vô phương níu kéo.

    Phạm Lữ Ân

    (*)”Juno là phim hài dành cho tuổi teen, đoạt giải OscarKịch bản gốc hay nhất năm 2008. Juno, một cô học sinh 16 tuổi, bỗng phát hiện mình đã có thai được hai tháng.Thay vì đi phá thai, Juno lại có một quyết định là sẽ sinh con và kiếm một gia đình hiếm muộn nào đó nhận nuôi.”

    Link bài: https://dotchuoinon.com/2009/11/15/kho%E1%BA%A3nh-kh%E1%BA%AFc-nao-th%C6%A1-d%E1%BA%A1i-b%E1%BB%8F-ta-di/

    Reply

Leave a comment