Một vài suy nghĩ về tôn giáo và chính trị 10 năm trước

Nhanh quá, đã 10 năm rồi, mình vẫn nhớ mấy câu comment về đạo Phật và nhà Trần, hay một vài tư duy ngày ban đầu về tôn giáo và chính trị, muốn đăng ở đây để làm tư liệu tìm đọc lại dễ hơn. Comments trong bài “Một khởi đầu khó khăn và kì diệu”. https://dotchuoinon.com/2013/12/22/mot-khoi-dau-kho-khan-va-ki-dieu/#comments

Không biết bây giờ mình đã hiểu sâu hơn được chút nào chưa? Cũng chưa có lúc nào ngồi yên lại để viết ra những cảm xúc và trải nghiệm. Hồi 10 năm trước đó xúc cảm mạnh vì “tuổi xấp xỉ trên dưới 30 tuổi (Đức Phật Thích Ca cũng giác ngộ hoàn toàn năm 30 tuổi đó), chị thấy mình đúng đang ở mức nửa cuộc đời đó”. Bây giờ xấp xỉ 40 tuổi, phải gánh nhiều trọng trách trên vai hơn, vẫn loay hoay trong những việc nhỏ nhặt, không quên nhiệm vụ tâm linh của mình trong việc đem lại bình an trong mỗi mối liên hệ hàng ngày. Bạn bè cùng lứa mình cũng dần đang rất quan tâm đến đạo Phật, có lẽ đó là “Thời đã tới”, những suy tư về tâm linh, về ý nghĩa thực sự của lòng tin/đức tin sẽ tìm tới những trái tim và khối óc thông minh nhất – giới trí thức dẫn đường.

  • Thu Hường:

Em đã nghĩ đến triết lý trong Phật giáo, phần lớn người ta chỉ hiểu được những điều dạy đơn giản về “làm điều thiện, không được làm điều ác”, nhưng tư tưởng cao nhất về bản chất Nhất nguyên và “Sắc sắc không không” không mấy ai hiểu được, cho nên tư tưởng Phật giáo gần như không hề có tác động gì đến kinh tế chính trị xã hội, đặc biệt là sau khi triết học Mác-Lê du nhập và dẫn đường cho tư tưởng của toàn bộ hệ thống chính trị. Hiểu lầm tư tưởng ở tầm cao của triết lý, so với theo đuổi một triết lý ở tầm thấp, thực sự khác nhau rất nhiều!

  • Quỳnh Linh:

Nhân câu nói của Hường “tư tưởng Phật giáo gần như không hề có tác động gì đến kinh tế chính trị xã hội, đặc biệt là sau khi triết học Mác-Lê du nhập và dẫn đường cho tư tưởng của toàn bộ hệ thống chính trị.”, em có một câu hỏi này (cho mình) xin chia sẻ với anh Hoành và cả nhà, nếu ai có câu trả lời giúp em được thì em rất cám ơn ạ:

Em vẫn nghe nói, vào phần sau của thời Trần, triều đình quá chú trọng Phật giáo, đề cao tăng lữ và khiến cho đất nước bị suy yếu – đại loại là thế, em không nhớ chính xác. Vấn đề ở đây là gì? Vì hiện nay, em đang nghĩ rằng cũng như tinh thần Kyto hữu, tinh thần Phật giáo sâu nặng là điều tốt để giúp con người và đất nước cường thịnh chứ không phải làm đất nước suy yếu, em vẫn nghĩ truyền bá tinh thần Phật giáo, ở mức cá nhân là tu thân, tu tâm, vun đắp đạo đức cá nhân, hệ thống giá trị cá nhân, ở mức xã hội là đạo đức xã hội, hệ thống giá trị xã hội, rồi khái quát hơn là tư tưởng Phật giáo… chính là một góp phần khả thi và hữu hiệu trong việc giúp xã hội Việt Nam tốt đẹp, đất nước Việt Nam vững mạnh hơn. Lịch sử (nhà Trần) có đã chứng minh điều ngược lại hay có yếu tố gì của lịch sử mà chúng ta còn chưa hiểu hết hay hiểu sai?

Nhân tiện nói đến Phật giáo thời Trần, em rất tâm đắc bài Cư Trần Lạc đạo mà anh Trần Hữu Vinh và anh Hoành giới thiệu với Đọt Chuối Non gần đây – và chưa thấy có điều gì sai khiến cho dẫn đến nước nhà suy yếu.

  • Thu Hường:

Em cũng có nghĩ đến vấn đề chị đặt ra, “vào phần sau của thời Trần, triều đình quá chú trọng Phật giáo, đề cao tăng lữ và khiến cho đất nước bị suy yếu” điều này hình như mình được dạy trong trường phổ thông chị nhỉ? Câu hỏi của chị khiến em nhớ đến bài viết “Phá bỏ rào cản tôn giáo” của anh Hoành, trong đó đã nói rằng “tôn giáo trở thành tồi tệ khi người ta dùng nó làm chính trị” và “Tâm linh là trái tim con người. Các kinh nghiệm và giảng dạy tâm linh thực ra là chỉ để cho trái tim của mỗi chúng ta.”
“Nói về phương diện phát tiển tâm linh thì các tôn giáo LUÔN LUÔN trở thành tồi tệ khi dính dấp vào chính trị. Vì tâm linh là tầm cao hơn chính trị.”
https://dotchuoinon.com/2011/05/30/pha-b%E1%BB%8F-rao-c%E1%BA%A3n-ton-giao/

Em hiểu điều đó nghĩa là, tư tưởng trong Ki-tô giáo hay Phật giáo tuy rằng tốt đẹp, nhưng chỉ có thể áp dụng cho mỗi cá nhân, và cụ thể hơn, là chính mình, chứ không thể giao quyền lực cho tổ chức tôn giáo, vì sự đạt tới chiều sâu tâm linh xảy ra đối với cá nhân, không phải đối với tổ chức. Việc của chúng ta là chọn ra những cá nhân xuất sắc đó để lãnh đạo, chứ không phải chọn những cá nhân xuất sắc trong một tổ chức có sẵn để lãnh đạo.

Về sự suy thoái của nhà Trần, cũng như các triều đại phong kiến khác, em nghĩ là do chế độ “quân chủ chuyên chế” bất bình đẳng không thể tồn tại mãi mãi, và ngay cả bây giờ chúng ta vẫn đang hướng đến một xã hội coi trọng sự bình đẳng, và đủ bài học để biết rằng không có một ông vua hay một “Đảng tiền phong” nào ban phát điều đó cho chúng ta mà chúng ta phải tự tìm kiếm và tạo ra bình đẳng.

  • Anh Hoành: Hi Quỳnh Linh, Hường và các bạn,

Nhà Trần nắm giữ vương quyền 175 năm (từ 1225 đến 1400), đó cũng là một thời gian dài cho một triều đại (một gia đình nắm quyền). 175 năm rồi mất đi thì cũng là chuyện bình thường và hợp lý).

Phật giáo từ thời Trần Nhân Tông trở đi rất được ưu đãi, các chùa và tăng ni được cấp đất đai và quyền lợi. Khúc cuối của nhà Trần có nhiều mâu thuẫn giữa các công thần trong triều theo Nho học (Khổng học) và Phật giáo ưu quyền. Đó cũng có thể là lý do làm triều đình suy yếu.

Sau đó thì Hồ Quý Ly chuyên quyền lật đổ nhà Trần.

Nhưng khó mà nói là Phật giáo làm yếu đất nước. Mâu thuẫn giữa đám nho sĩ và Phật giáo làm yếu thì đúng hơn.

Và nếu lấy Trúc Lâm Yên Tử (Trần Nhân Tông), Tuệ Trung Thượng Sĩ (Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, con trai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn)… làm chuẩn thì có lẽ Phật giáo có vẻ thịnh hành trong hoàng tộc mà chưa vững trong dân gian. Dân gian có lẽ không nắm vững được tư duy Phật giáo, vì rất khó để nắm, nhất là tư tưởng thiền tông mà các quý vị hoàng tộc ưa chuộng.

Ngay trong các bài thơ của Trần Nhân Tông, cố dùng chữ Nôm, nhưng chữ Hán Nôm vẫn phải dùng; và tư tưởng thì vẫn còn mượn nhiều khái niệm của Đạo học (Lão tử)… như là dùng khái niệm “nhàn” của Đạo học đồng nghĩa với khái niệm “thiền” và “tĩnh lặng” của Phật học. Sự thực thì có khác nhau nhiều giữa hai hái niệm. Tức là tư tưởng Phật giáo VN chưa được sắc bén và sâu sắc như một triết thuyết hàng đầu mà Phật giáo xứng đáng được nhận.

Trong khi đó Nho học lại là Nho học đã bị khô cứng và hư hoại của Tống Nho bên Trung quốc.

Cho nên đất nước không có sinh khí về tư tưởng. Mà lại có mâu thuẫn giữa Nho sĩ và hàng tăng lữ.

Đọc thêm: Việt Nam Phật giáo sử luận – Chương 18: Đạo Phật trong đời Nho học độc tôn.

4 Comments (+add yours?)

  1. Phạm Thu Hường
    Nov 08, 2023 @ 19:47:18

    Comment trong bài “Ngôn ngữ Bát Nhã” về tư tưởng trong Tiểu thừa và Đại thừa: https://dotchuoinon.com/2018/12/19/ngon-ngu-bat-nha/

    “Tư tưởng Phật gia, đặc biệt là tư tưởng Đại Thừa, thật là tư tưởng rất lớn của thế giới. Nhưng rất khó hiểu, ngay cả trong giới tu sĩ, như trong nước VN chẳng hạn, có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay số người hiểu tư tưởng Bát Nhã. (Số người lập lại chữ của câu kinh thì đầy cả nước). Phật giáo Nguyên thủy thì dễ hiểu hơn, nhưng sâu sắc chỉ bằng 1/10 Đại Thừa.

    Tuy nhiên thế giới Phật giáo Đại Thừa, cũng như VN, có vài vấn đề cơ bản cực lớn:

    1. Tư duy quá sâu sắc và quá khó hiểu, nên chẳng mấy ai hiểu. Chỉ có một vài thánh tăng hiểu thấu, còn mọi người thì ù ù cạc cạc là chính. Ví dụ, đọc sách Thiền (hay kinh sách chung chung) tiếng Việt thì hầu như các bạn sẽ chẳng hiểu gì, ngoài việc đọc chữ.

    2. Hầu như mọi người chỉ biết dạy chữ cho nhau, nhưng chẳng ai nắm được tinh yếu của tư duy. Lý do rất dễ hiểu, là tư tưởng Bát Nhã (cũng như mọi tư tưởng tâm linh khác) không phải là môn học chữ. Tâm linh là môn thực hành. Ví dụ: Nói “Kẻ cướp chẳng khác kẻ bị cướp, kẻ bị cướp chẳng khác kẻ cướp. Kẻ cướp tức là kẻ bị cướp, kẻ bị cướp tức là kẻ cướp”, thì người ta có thể nói chữ, nhưng hiểu thì nhất định là không thể hiểu. Cho đến khi mình bị người ta cướp, đâm sau lưng, bội phản, hành tội… và ngẫm nghĩ “Chàng tồi kia chẳng khác mình, mình chẳng khác chàng tồi kia. Chàng tồi kia chính là mình, mình chính là chàng tồi kia. Cả hai đều tồi như nhau, và cả hai đều là Phật đang thành như nhau. Khác nhau nhưng chẳng khác”, và ứng xử trong tư duy và trong hành động theo cách đó, thì mình sẽ hiểu Bát Nhã Tâm Kinh sâu hơn bất kì ai. Thiên hạ chỉ nói chữ, trong hành xử thì luôn phân biệt tốt xấu, cao thấp, lành dữ, thiện ác, ta người, đạo và vô đạo… (tức là tư duy như người ngoại đạo, chẳng biết đường Phật). Cho nên kiến thức Phật pháp họ có đúng zero, ngoại trừ lảm nhảm chữ.

    Anh nói nhiều lần: học võ, học nhạc, học nấu ăn, học vẽ, học vũ… hầu như tất cả mọi môn trên đời, chúng ta không thể biết gì bằng cách chỉ đọc và nói phét, mà không thực hành thường xuyên.

    3. Bên trên anh có nói Phật giáo Nguyên thủy (tức Tiểu Thừa) thì dễ hiểu hơn nhưng ít sâu sắc hơn. Tuy nhiên, trong Đại Thừa VN, có vấn đề cực lớn là người Đại Thừa chê Tiểu Thừa, nên chẳng học và thực hành Tiểu Thừa. Nhưng đó là bỏ gốc mà học ngọn, vì Đại Thừa là từ Tiểu Thừa mà sinh ra, cho nên người Đại Thừa VN, nói đúng ra là đi lạc tuốt luốt. Chính vì vậy mà các thầy Đại Thừa VN chỉ biết nói chữ mà không thực hiểu. (Đương nhiên là ngoại trừ một vài thánh tăng, chỉ đếm được trên đầu ngón tay).

    Ví dụ: Kinh Pháp Cú, dễ hiểu, căn bản, và là kinh chính trong Tiểu Thừa, thì người Đại Thừa ít tập trung vào đó. Hoặc ngay cả Tứ Diệu Đế là trong kinh Chuyển Pháp Luân, kinh đầu tiên Phật đạy khi bắt đầu hành đạo, thì cũng không được người Đại Thừa tập trung mạnh mẽ vào. Hoặc là Tứ vô lượng tâm: từ bi hỉ xả. Hoặc các phương thức ngồi Thiền. Mọi thứ này đều được dạy rõ trong các kinh Tiểu Thừa, nhưng tiện nhất là chúng đều được giảng giải rất chi tiết và dễ hiểu trong cuốn the Path of Purification (Visuddhimagga) của luận sư Buddhagosha (có trên trang eBooks ĐCN). (Cố Ni cô Thích Nữ Trí Hải có dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, gọi là Thanh Tinh Đạo, nhưng Cô dịch sai quá nhiều cho nên đọc tiếng Anh thì hiểu, đọc tiếng Việt thì không hiểu).

    Phải học Tiểu Thừa (Phật giáo Nguyên thủy) thì mới hiểu được Đại Thừa. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có viết đâu đó (anh quên rồi), rằng khi đọc được kinh sách Tiểu Thừa thiền sư mới sáng ra mọi điều trong Đại Thừa. Anh cũng có kinh nghiệm đó. Từ lúc bắt đầu học triết năm 18, 19 tuổi ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn đến mấy mươi năm sau, đầu óc anh lúc nào cũng mơ hồ về những điều mình đã được dạy và đã học trong Phật pháp, cho đến khi anh bắt đầu đọc kỹ Tiểu Thừa thì mọi sự mới sáng ra, cộng thêm anh khám phá ra là “phải học bằng thực hành” và anh thực hành nghiêm chỉnh, từ đó mới bắt đầu quán triệt tư tưởng Đại Thừa.

    Dù với những yếu kém trên, anh nghĩ rằng chúng ta có thể chỉ nhau hiểu được tư tưởng sâu sắc của Đại Thừa băng hai cách:

    – Thầy phải đủ sức giải thích những tư tưởng cực kì trừu tượng của Bát Nhã thành những ngôn từ và ví dụ cụ thể dễ hiểu hơn.

    – Và học trò phải tự thực hành hằng ngày điều mình học được, thì mới thực sự hiểu.

    Hiểu được rồi thì mới dạy cho người phương Tây. Học được Phật pháp thì Tây phương sẽ mới hiểu được tinh thần của Jesus. Các tôn giáo Tây phương ngày nay thì như là những đảng phái chính trị rẻ tiền vì đã mất tư tưởng Jesus và chỉ còn tư tưởng và hàng trăm giáo điều kiểu chính trị của các tôn giáo. Nhưng hiểu Phật pháp thì sẽ sáng về những lời giản dị Jesus nói.

    Đây là vấn đề và giải pháp cho cả thế giới. Cả thể giới mất phương hướng tâm linh, dù tràn ngập các tôn giáo. Nhưng ta chẳng thể dạy ai điều gì trừ khi ta sống điều ta dạy. Hãy tưởng tượng, một vị bác sĩ chuyên hút thuốc, dạy một lớp học nên bỏ hút thuốc.”

    Reply

  2. Phạm Thu Hường
    Nov 08, 2023 @ 19:55:52

    Comments trong bài “Kiến tánh thành Phật” https://dotchuoinon.com/2012/03/05/ki%E1%BA%BFn-tanh-thanh-ph%E1%BA%ADt/

    1. Pháp môn “trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật” là pháp môn “đốn ngộ” của Thiền Nam Tông, mà người đại diện là Lục tổ (tổ thứ 6) Huệ Năng. Gọi là Nam Tông vì Huệ Năng đến từ Phương Nam của Trung Quốc, và sau khi được Hoằng Nhẫn truyền y bát (áo cà sa và chén hành khất) thì lại về Phương Nam truyền giáo. Bắc Tông là nhánh ở miền Bắc của một đệ tử khác của Hoằng Nhẫn là Thần Tú lãnh đạo.

    (Ghi chú: Huệ Năng đến từ miền Lĩnh Nam, là miền phía Nam sông Hoàng Hà. Lĩnh Nam là miền của các bộ tộc Việt, gọi chung là Bách Việt, mà người Việt ta là một trong những bộ tộc đó. Bách là 100, có ý chỉ số nhiều chứ không hẳn là đúng con số 100. “Việt” là “vượt” qua. Người Hán (ở từ bờ Bắc sông Hoàng Hà trở lên mạn Bắc, đến sông Dương Tử), gọi các bộ tộc ở phía Nam sông Hoàng Hà là “Việt” có nghĩa là “vượt qua sông Hoàng Hà”. Cách gọi này vẫn còn dùng ngày nay. Và vùng đất phía nam sông Hoàng Hà (Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam… Bắc Việt ngày nay) thì gọi là Lĩnh Nam–lĩnh vực phía Nam. Nhớ cuốn “Lĩnh Nam Chích Quái” của dân Việt ta. Huệ Năng đến từ đảo Hải Nam của Trung Quốc ngày nay)

    Nam Tông là Thiền đốn ngộ, ngộ ngay tức thì–chỉ thẳng vào tâm, thấy tánh là thành Phật tức thì, như Lục tổ Huệ Năng chẳng biết kinh sách gì cả, nhưng khi hàng xóm đọc “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của Kinh Kim Cang thì ngộ ngay lập tức.

    Bắc Tông là tiệm ngộ, ngộ từ từ mỗi ngày một chút do tu tập và học hỏi kinh sách.

    Ngày nay Thiền đốn ngộ được xem là đã thất truyền, không còn đệ tử.

    Dòng Thiền chính của Việt Nam còn lại đến ngày nay là dòng Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông thiết lập trên núi Yên Tử. Dòng Thiền này, cũng như tất cả mọi nhánh Thiền khác của VN ngày nay, là “thiền tịnh song tu” (Thiền và pháp môn niệm Adiđà Phật của Tịnh độ tông cộng lại), cho nên thuộc tiệm ngộ–niệm phật, học kinh sách, giữ giới, thiền định, mỗi ngày khá lên một chút.

    Tuy nhiên “chỉ thẳng vào tâm nguyên thủy của mình” là một pháp môn có sức mạnh rất lớn, nếu ta nhìn theo con mắt của một chuyên gia chuyên về tư duy tích cực. Nhìn cái đẹp và huyền diệu mà mình đã có sẵn trong mình–tâm thật, tâm nguyên thủy, tâm tĩnh lặng trong sáng, tâm từ bi vô lượng của chính mình–để giác ngộ, thì đó là sức mạnh tích cực mà chẳng pháp môn nào có thể bì, vì mọi pháp môn khác luôn luôn phải dựa vào cái này cái kia, người này người kia. Năng lượng tích cực được tạo ra với “chỉ thẳng chân tâm” cực kỳ mạnh, vì tâm lực của hành giả (người thực hành) quá mạnh.

    Nhưng, vấn đề là bài kệ chỉ nam của Bồ Đề Đạt Ma thiếu một chữ quan trọng là chữ “quán” (nhìn). “Quán” (nhìn) có lẽ đã được có sẵn trong “trực chỉ” (chỉ thẳng). Nhưng có lẽ vì chữ “quán” không được viết ra rõ ràng nên đa số người không thấy, và do đó từ “chỉ thẳng” trở thành cực kì khó hiểu–chỉ thẳng vào tâm có nghĩa là gì? Làm sao mà chỉ? Chỉ thế nào?

    Nhưng nếu ta dọc chữ “kiến” (thấy) thì vấn đề rất dễ hiểu. Muốn “thấy” thì phải “nhìn”. Từ “chỉ thẳng”, do đó, nên được hiểu là “nhìn thẳng”, thì phương pháp đốn ngộ trở thành dễ hiểu, dễ thực hành, và có lẽ không đến nỗi phải thất truyền cả nghìn năm nay.

    “Nhìn” thẳng vào tâm thật của mình. Nhìn mãi cho đến khi mình có thể gạt qua một bên tất cả các vọng động và si mê như mây mờ che tầm mắt và “thấy” được tâm thật của mình rất rõ ràng. Lúc đó là đạt đạo.

    Trong thời gian “nhìn thẳng” như thế, dù chưa đạt đạo, năng lực tích cực ta tạo ra do tự tin vào chính tâm thật của mình cũng sẽ cực kì mạnh mẽ.

    2. Thiền từ các sư Thái Lan là Thiền Nguyên Thủy (hay còn gọi là Như Lai Thiền), do chính đức Phật dạy. Căn bản chính là thiền Vipassana (Thiền Minh Sát), quán Tứ Niệm Xứ (Thân thể, cảm xúc, tư tưởng, các pháp – thân thọ thức pháp).

    Đây là một môn Thiền rất căn bản, dễ hiểu, dễ thực hành, rất quan trọng trong việc aware (nhạy cảm và hiểu biết) về chính mình. Và khó bị đi lạc.

    Thiền Tổ Sư (là thiền của các tổ sư ở Trung Quốc từ thời Bồ Đề Đạt Ma trở xuống). Đây là thiền Đại Thừa, thường đi vào các tư tưởng đại thừa trừu tượng (Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Kim Cang, hay phương pháp đốn ngộ mà ta đã nói). Các môn này rất trừu tượng, và rất dễ bị lạc.

    3. Thực sự là tư tưởng Đại Thừa rất cao siêu. Nhưng căn bản vẫn là Nguyên Thủy (Tiểu thừa).

    Trong sách vở và tư duy của Phật giáo Việt Nam, ta thấy cách nói chê bai Phật giáo Nguyên Thủy rất nhiều. Cho nên trong cách tu tập, các cách tu tập và kinh sách căn bản của Tiểu thừa cũng bị coi thường, không được chú tâm đúng mức (dù Đại Thừa không chối bỏ các thứ đó). Như là không chú tâm đến cộng trừ nhân chia, bắt đầu là đã nói đến phương trình bậc hai, lượng giác và hình học không gian.

    Các vị Thiền sư Đại thừa giỏi, như Thích Nhất Hạnh và vài thiền sư anh quen biết nhưng ít nổi tiếng hơn Nhất Hạnh, đều nói một điều là họ sáng hẳn ra sau khi nghiên cứu Thiền Nguyên Thủy. Anh cũng chỉ sáng ra về Thiền sau khi nghiên cứu và thực tập Thiền Nguyên Thủy.

    Vì coi thường Tiểu Thừa (Nguyên thủy) nên “Thiền” và kiến thức phật học ở VN rất hỗn loạn; tìm thầy tốt, ngoại trừ vài vị thầy lớn, đại da số thì khó như mò kim đáy biển.

    Nói chung là Phật học VN còn cần phải rất nhiều chỉnh đốn.

    4. Tông phái nào của Thiền thì cũng phải dùng thiền chỉ (Samatha) để nhập môn. Tập trung vào một điểm nào đó — hơi thở, hay đầu mũi, đan điền thượng.. hay một điểm trên tường) để giữ tư tưởng vào một chỗ, không chạy tán loạn.

    Ở mức cao hơn các tông phái mới bắt đầu dạy quán.

    – Ở Phật giáo Nguyên thủy, thì thiền quán là Vipassana, dùng Thiền Tứ Niệm Xứ của Phật Thích Ca.

    – Đại thừa thì, trên nguyên tắc, quán là quán các tư tưởng cao siêu từ các kinh mình trì tụng (Bát Nhã Tâm kinh, Pháp Hoa, Kim Cang v.v..), và chính tại khúc này là Đại thừa có vấn đề vì rất nhiều người đi lạc. Nhiều người lạc trong các ma trận của các tư tưởng phức tạp, và nói năng lung tung, chẳng đâu vào đâu cả, và chẳng được gì trong cách sống của mình. Nhưng các vị lại thích nói các điều cao siêu dù là chẳng hiểu gì cả. Hấp lực của chữ nghĩa. (Đây là hiện tượng tẩu hỏa nhập ma mà Thuận và nhiều người nhắc đến)

    Mình nghĩ là thiền sinh sẽ ít bị lạc đương nếu thiền sinh đi theo thứ tự 3 bước:

    Nguyên Thủy:

    1. Thiền chỉ

    2. Thiền Quán Tứ Niệm Xứ

    Đại thừa:

    3. Quán các pháp trừu tượng. (Và thực ra bước này hoàn toàn không cần thiết, trừ các đại sư muốn nắm vững tư tưởng sâu xa)

    (Chú thích: Giới trí thức Tây Phương theo Phật giáo hay Thiền, đa số là theo Phật giáo Nguyên Thủy–dù họ chẳng gọi họ là Phật giáo Nguyên Thủy–vì mọi sự rõ ràng, quy củ, giản dị hơn tư tưởng phức tạp của Đại Thừa.)

    Reply

  3. Phạm Thu Hường
    Nov 08, 2023 @ 19:56:46

    “Kinh Dụ Mũi Tên trong tiếng Phạn là Cuula-malunkyasutta ( http://www.buddhanet.net/budsas/ebud/majjhima/063-cula-malunkhyaputta-e1.htm )

    Theo kinh này thì có 14 câu hỏi Đức Phật không trả lời:

    • 8 câu hỏi về vũ trụ: Is the world eternal or not eternal, is it limited or unlimited? (Vũ trụ là vĩnh cữu hay có ngày chấm dứt? Có biên giới hay không có biên giới?). Hay cây hỏi ngắn này thực ra có 8 câu hỏi trong đó:

    – vũ trụ là vĩnh cửu?
    – vũ trụ có ngày chấm dứt ?
    – vũ trụ VỪA vĩnh cửu VỪA có ngày chấm dứt ? [có cả hai ?]
    – vũ trụ KHÔNG vĩnh cửu VÀ cũng KHÔNG có ngày chấm dứt ? [không có cả hai ?]

    – vũ trụ có giới hạn ?
    – vũ trụ không có giới hạn ?
    – vũ VỪA có giới hạn VỪA không có giới hạn ? [có cả hai ?]
    – vũ trụ KHÔNG phải có giới hạn, cũng KHÔNG phải không có giới hạn [không có cả hai ?]

    • 2 câu hỏi về hồn và xác: Is the soul and body the same, is the soul different from the body?

    – Hồn và xác là một?
    – Hồn và xác khác nhau ?

    • 4 câu hỏi về “sau khi chết”: Is the Thus Gone One after death. Isn’t the Thus Gone One after death? Or is it the Thus Gone One is and isn’t after death? Or the Thus Gone One neither is, nor is not after death?

    – Người Giác Ngộ (Phật) còn sau khi chết?
    – Người Giác Ngộ mất sau khi chết?
    – Người Giác Ngộ VỪA còn VỪA mất sau khi chết?
    – Người Giác Ngộ KHÔNG còn mà cũng KHÔNG mất sau khi chết?

    Tổng cộng là 14 câu hỏi Phật không trả lời vì:

    Ví như có người bị trúng tên độc vào thân, quyến thuộc của y thương xót, muốn làm cho y được an ổn, được nhiêu ích, cấp tốc mời thầy thuốc đến nhổ mũi tên độc ra. Khi ấy người bị trúng tên độc nghĩ rằng: Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội ta muốn biết người bắn cung họ gì, tên gì, hình dạng ra sao? Kẻ ấy cao hay thấp, hay trung bình? Kẻ ấy đen hay trắng, thuộc dòng Sát lợi hay bà la môn, hay cư sĩ, hay thợ thuyền? Kẻ ấy ở phương Ðông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc? Tại sao lại lấy tên bắn vào ta? Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết cây cung làm bằng loại cây Tát la hay loại cây Ða la, hay loại cây Xí la ương quật lê?…

    … [Những] điều đó chẳng đúng nghĩa… không đưa đến chí đạo, không tương ưng với Niết bàn, cho nên ta không nói.

    Điều Phật muốn nói là:

    Vậy vấn đề gì ta một mực nói? Ta một mực nói đến: “Ðây là khổ”, ta một mực nói: “Ðây là khổ tập, khổ tận, trụ xứ”. Vì sao vậy? Ta một mực nói những vấn đề ấy là vì nó là nghĩa, là pháp, được thần thông, tu hành Phạm hạnh cho đến Ðẳng đạo, cùng tương ưng với Niết bàn, cho nên ta một mực nói đến. Những điều ta không nói đến thì nên bỏ đi, còn những điều ta nói đến thì nên thọ trì.

    http://www.quangduc.com/kinhdien/203muiten.html

    Reply

  4. Phạm Thu Hường
    Nov 10, 2023 @ 15:38:02

    Reply

Leave a comment