Có nên đi du học hay không?

Ai cũng có một cái tài lẻ, cuối cùng mình cũng phát hiện ra tài lẻ của mình là không ngại làm mấy hồ sơ giấy tờ phức tạp (hay đúng hơn là can đảm thử – sai). Kinh nghiệm tự làm mọi giấy tờ ở Canada đã được tích luỹ qua 7-8 năm nay, kể cả tự khai thuế, nhưng đây là lần đầu tiên mình làm hồ sơ Study Permit. Cuối cùng mình đã làm nên một hồ sơ phức tạp nhất từ trước đến giờ: nộp theo cả 2 chương trình non-SDS (hay còn gọi là chứng minh tài chính) và SDS (Student Direct Stream), cộng thêm cả trải nghiệm Flag-poling qua biên giới Canada-Mỹ. Kinh nghiệm rút ra là nếu có điểm IELTS trên 6.0 thì nên apply giấy phép đi học Đại học theo diện SDS để tránh việc chờ đợi kết quả quá lâu.

Trước khi chi tiết vào việc giấy tờ thì bàn luận một chút về chủ đề hot nhỉ: Có nên đi du học hay không? Có nên bỏ hết để tìm đường đi làm và/hoặc định cư nước ngoài (Canada/Mỹ/Úc v.v…) hay không?

Chủ đề này lúc nào cũng hot trên các diễn đàn, và nhạy cảm ghê gớm, chỉ một lời hơi thiên về một phía (VN hay nước ngoài) là kích hoạt những cảm xúc mãnh liệt mà những người suy nghĩ đơn giản sẽ phải bất ngờ bởi số gạch đá mà hai bên ném cho nhau. Đương nhiên sự khác biệt về góc nhìn có rất nhiều nguyên nhân từ lịch sử, chế độ xã hội và chính trị và hoàn cảnh cá nhân, nhưng nguyên nhân chính mình nghĩ là do sự so sánh, bên nào tốt hơn – trong khi đó là một câu hỏi không có đáp án, và cũng không cần đáp án, bởi một người đâu có sống được 2 cuộc đời một lúc để mà so sánh? Cũng giống như câu hỏi: Năm 1975 bên nào thắng cuộc sẽ tốt hơn? Cũng như câu hỏi: Có God hay không có God? Có Chúa đến thế gian thì tốt hơn hay không? Bởi với con người mà nói, thời gian chỉ có một chiều, lịch sử chỉ có 1 đường đi, không thể chứng minh đường khác tốt hơn. Tranh luận kiểu “triết học” hay “chân lý” bên nào tốt hơn thì không thể và cũng không có ý nghĩa gì, nhưng bỏ cảm xúc cá nhân qua một bên để tâm sự, chia sẻ với nhau để tìm ra cách làm tốt nhất là điều mà ai cũng cần và mong muốn.

Mình nghĩ câu hỏi đúng phải là làm thế nào sống tốt nhất tại mỗi thời điểm, tại quốc gia mà mình đang ở. Nếu có tình yêu với thế giới nói chung, thì sẽ tự khắc trở thành công dân toàn cầu, đâu cần phải ra nước ngoài kiếm hộ chiếu nước ngoài mới thành công dân toàn cầu. Có người nói muốn làm giàu, muốn sống với chế độ văn minh thì phải đi, vì ở lại với chế độ đó muốn làm giàu không làm sai không được, sẽ trở thành tù nhân dự khuyết bất cứ lúc nào. Nhưng sự khó khăn khi sống ở nước ngoài không phải người nào cũng có thể may mắn vượt qua để thành công. Mình nghĩ rằng dù ở đâu, dưới chế độ nào, mình cũng cần giữ sự công chính, giàu có không bao giờ đến một cách dễ dàng ở bất cứ đâu. Ở nơi nào ta có thể sống thoải mái, vui vẻ, không nợ nần quá sức để đánh cược chi trả cho một sự “không biết” quá lớn nào đó, thì cứ cần kiệm qua thời gian ta sẽ khá lên. Nếu muốn trải nghiệm một cuộc sống mới nơi đất nước mới, thì càng nhiều nền tảng tài chính, ngoại ngữ, thông tin và nghị lực ta chuẩn bị được, rủi ro nơi xứ người sẽ giảm đi rất nhiều.

Quay lại câu hỏi đầu tiên “Có nên đi du học hay không?”, vô cùng phụ thuộc vào hoàn cảnh và động lực cá nhân, và cũng chẳng ai dám trả lời Nên hay Không nên. Mình nghĩ cần đổi câu hỏi thành: “Mình có muốn đi du học không? Nếu có thì ở đâu, bao giờ, làm như thế nào, cần những điều kiện gì?”. Ví dụ như hoàn cảnh của cháu gái mình, có rất nhiều điều kiện thuận lợi khi du học: (1) Bố mẹ có khả năng chi trả học phí Đại học, (2) Con học tốt tiếng Anh và có chí hướng đi du học từ sớm và (3) Dì ruột làm việc ở trường Đại học có ngành học mà con thích. Mình thường hay nghĩ đến điều kiện (1) tài chính gia đình như điều kiện cần, vì với tuổi còn quá trẻ (18 tuổi) mà đặt áp lực vừa đi học vừa đi kiếm tiền mình thấy quá lớn; và điều (2) mong muốn, ý chí của con như điều kiện đủ, chí hướng muốn đi du học của con sẽ mang ý nghĩa quyết định rất lớn đến thành công trong học tập và cuộc sống ở nước ngoài sau này. Không phải cứ gia đình giàu có, dư tiền rừng bạc biển mà thuyết phục con nên đi du học nếu con không thực sự thích, rào cản ngôn ngữ và tâm lý không dễ để vượt qua nếu không có động lực tự thân.

Về thủ tục giấy tờ để du học Canada, mình sẽ chia sẻ ở bài sau. “Hành trình 7 tháng nộp hồ sơ Canada Study Permit – Happy Ending”.

2 Comments (+add yours?)

  1. Trackback: Hành trình 7 tháng nộp hồ sơ Canada Study Permit – Happy Ending | nicolethuhuong
  2. Trackback: Trải nghiệm Flag-poling qua biên giới Canada-Mỹ | nicolethuhuong

Leave a comment