Về chuyện con cái

Mình sẽ viết thành 3 phần (1) Ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo (2) Phụ nữ có thể lựa chọn không có con được không? và Phần (3) Phụ nữ có được quyền bỏ thai không? sẽ viết trong bài riêng.

(1) Sinh con vì định kiến xã hội: phải có con, phải có con trai, ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo

Một trong những lý do mình phản ứng với Khổng tử trong một thời gian dài vì định kiến xã hội xuất phát từ những quan điểm của ông áp lên người phụ nữ: nghĩa vụ phải sinh con, và phải có con trai nối dõi tông đường, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, phụ nữ phải ăn ở chiếu dưới, vai vế thấp hơn, phụ thuộc vào chồng và con trai (tam tòng: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, ở nhà thì mọi quyết định phụ thuộc vào cha, lấy chồng thì mọi sự theo chồng, chồng mất thì mọi quyết định theo con trai). Mặc dù mình nhìn nhận được mặt tốt của văn hoá Nho giáo trong sự nề nếp gia phong của gia đình, con cái lớn lên rất ngoan ngoãn và hiếu thảo, nhưng định kiến của nó về vai trò của phụ nữ là điều mình luôn không đồng ý.

Sau này đọc trực tiếp nhiều hơn những lời dạy của Khổng tử (link cuối bài), mình mới dần có cái nhìn trung dung hơn về ông, quan điểm của mỗi người đều có những hạn chế riêng, cho dù là bậc Thánh nhân đi chăng nữa. Khi bớt định kiến về người nào đó, chúng ta mới có thể nhận thức được đúng hơn những giá trị tốt hay xấu để có thể dùng được cho bản thân và xã hội. Những quan điểm của ông về người quân tử rất đáng học hỏi, cho dù ông quan niệm người quân tử là người con trai/đàn ông, do cái nhìn về vai trò của nam nữ thời xưa rất khác biệt với bây giờ, những giá trị trong lời dạy của ông thì rất nhiều điều đúng đắn cho cả nam và nữ. Những ảnh hưởng lệch lạc trong văn hóa phong kiến chủ yếu đến từ thời Tống Nho, khi mà những giá trị gốc của lời dạy biến thành những công thức chết để áp đặt lên dân chúng qua sự cai trị của chính quyền. Trong khi dịch cuốn Luận ngữ, Nguyễn Hiến Lê cũng viết: “Làm như vậy chúng tôi chỉ mong thoát ra khỏi lối hiểu chính thống của Tống nho, ráng tìm hiểu tư tưởng Khổng tử theo một tinh thần khách quan và giúp độc giả thấy được nhiều lối hiểu để phán đoán.”

(2) Phụ nữ có thể lựa chọn không có con được không?

Quan điểm của mình về điều này thì chắc bạn rõ rồi, hồi mình nhiều tuổi mà vẫn chưa lập gia đình và cũng không tính sẽ có con, vì vẫn còn lông bông chưa vững về tài chính. Mẹ mình bảo: “Không có con là tội bất hiếu, mà trong trăm tội thì bất hiếu là tội nặng nhất”, mình trả lời là: “Mẹ nói vậy thì con nhận tội bất hiếu thôi”. Đó là một trong những lúc mình nhận thấy tội lỗi là rất tùy thuộc vào quan điểm của từng người, và sự thật đối với mỗi người cũng vậy, cũng phụ thuộc vào góc nhìn và hoàn cảnh trưởng thành. Dù mình biết sự vui sướng và hạnh phúc được làm mẹ lớn như thế nào, mình cũng biết rằng quyết định lựa chọn không có con là một quyết định bình thường và rất ổn của người phụ nữ trong việc hoạch định đời sống riêng của cô ấy, không những không phải là tội gì mà còn rất đáng khuyến khích.

Hồi làm việc bên Mỹ mình có một chị bạn thân, mình cũng đã chia sẻ suy nghĩ về việc người ta có cần có con đến vậy hay không, khi mà có quá nhiều trẻ mồ côi không ai chăm sóc, và dân số thế giới là một vấn đề khổng lồ tạo ra bao nhiêu vấn đề và gánh nặng cho Trái đất. Mình nói mình rất thích văn hóa bên Mỹ thúc đẩy việc nhận con nuôi, và cũng rất nhiều người nổi tiếng, giàu có sang những nước nghèo hơn để nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Mình thích văn hóa phương Tây rất công bằng giữa con nuôi và con đẻ, đa số đều coi đó là chuyện bình thường. Chị bạn mình nói: văn hóa VN mình thì không vậy đâu em ah, một giọt máu đào hơn ao nước lã, người Việt mình không thể không có con cháu ruột của mình, sự gắn bó gia đình là quá mạnh để họ có thể coi con nuôi hay con không cùng dòng máu giống như con ruột của mình. Mình vẫn rất thích văn hóa nhận con nuôi và hi vọng nó sẽ dần trở nên phổ biến hơn trong xã hội VN hiện đại.

Câu hỏi này cũng được đặt ra trong buổi nói chuyện của Sadhguru với các sinh viên trường Đại học Harvard, là câu hỏi thứ 4, từ phút 31:02 đến phút 36:09. Mình dịch sơ lược trong link cuối bài. (Mình khá thích các quan điểm của ông Guru này, rất sâu sắc và mình đồng tình phần lớn, và mình thích phong cách nói chuyện hài hước của ông ấy, có clip ông ấy trả lời về God và lúc ông ấy học Đại học hài hước nhất luôn, coi không nhịn được cười. Series Youth and Truth dùng để học tiếng Anh cũng rất tốt, vừa thêm từ vựng vừa có thêm góc nhìn về các vấn đề xã hội, vừa giải trí nữa).

(1) Tham khảo: Truyền thống tư tưởng của Trung Quốc https://dotchuoinon.com/2009/07/10/truy%E1%BB%81n-th%E1%BB%91ng-t%C6%B0-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c/

Luận ngữ – Nguyễn Hiến Lê dịch https://dotchuoinon.files.wordpress.com/2012/07/lue1baadn-nge1bbaf.docx

(2) Sadhguru at Harvard University – Youth and Truth https://www.youtube.com/watch?v=-GZRdgLTKNk

Phút 31:02 đến phút 36:09

Diễn giả: Đối với một người phụ nữ không chọn làm mẹ, không lập kế hoạch để có con…

Sadhguru: Ồ, tôi sẽ trao giải cho bạn.

Diễn giả: Vì vậy, cô ấy đã chọn bạn làm người biện hộ cho quyết định này và ông phải đấu tranh cho quyết định của cô ấy. Vậy, những lý lẽ mà ông sẽ đưa ra cho một người phụ nữ không muốn sinh con là gì?

Sadhguru: Tôi đã nói rằng cô ấy cần được trao giải thưởng. Tôi đã thông báo ở Ấn Độ, những phụ nữ trẻ có khả năng sinh con đã chọn không làm điều đó, chúng tôi sẽ lập giải thưởng cho họ. Bởi vì ngay bây giờ, điều tuyệt vời nhất mà bạn có thể làm trên thế giới là bạn không làm tăng thêm dân số trên hành tinh này, được chứ (khán giả vỗ tay).

Nếu giả sử bạn là một con hổ cái, thì tôi sẽ khuyến khích bạn hãy sinh sản, hãy sinh sản, bởi vì nó là một loài có nguy cơ tuyệt chủng. Chà, bạn biết đấy, loài người chúng ta không gặp nguy hiểm (khán giả cười). Bất cứ nơi nào bạn đến, đều có một đám đông. Chà, có một quốc gia mà để bảo vệ người ta phải xây dựng một bức tường, nếu không mọi người sẽ đến quá nhiều. Rõ ràng là có quá nhiều người. Rõ ràng, có quá nhiều dân số ở khắp mọi nơi, phải không? Vì vậy, đây là điều chúng ta cần xem xét một cách rất cơ bản. Điều này đang xảy ra bởi vì nhu cầu… nhu cầu sẵn có. Nhu cầu sinh sản là một nhu cầu rất sẵn có. Bất kể người ta có lập luận gì, tại một thời điểm, cơ thể sẽ ra lệnh. Cũng may là đau và nhiều thứ liên quan, nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vì vậy, nhu cầu này người ta phải vượt qua thay vì đè nén nó xuống, nếu danh tính của bạn vượt ra ngoài con người sinh học của bạn một cách tự nhiên, bạn sẽ thấy những nhu cầu này hoàn toàn biến mất. Ngay bây giờ, tôi muốn mọi người hiểu rằng, điều bạn đang tìm kiếm không phải là một đứa trẻ. Những gì bạn đang tìm kiếm là sự liên hệ. Ngay bây giờ vấn đề của bạn là bạn không thể liên hệ với mọi người trừ khi họ đến từ cơ thể bạn. Bản sắc sinh học của bạn mạnh đến mức bạn không thể chỉ đơn giản coi những người nào khác con của bạn là của bạn. “Ồ cái này đến từ cơ thể tôi.” Cái này là của tôi, điều đó là do bạn bị mắc kẹt trong sinh học của chính mình. Tất cả vấn đề chỉ có thế.

Hôm nay, tôi phải nói với bạn rằng trong tổ chức Isha, có hàng trăm cặp vợ chồng đều đã chọn không sinh con. Tôi nói, “Bạn muốn liên hệ? Bạn muốn trẻ con? Tôi sẽ cho bạn một tram đứa.” Tại sao chỉ một? Bạn chăm sóc trẻ con, tại sao nó phải cần phải là đứa trẻ rơi ra từ cơ thể bạn, không cần thiết. Con người có năng lực sinh sản, đây là bản năng của động vật. Tất nhiên, bản năng này là cần thiết cho sự sống còn của giống nòi. Nhưng bây giờ sự sống còn của chủng tộc phụ thuộc vào việc kiểm soát dân số một cách có ý thức một chút. Từ đầu thế kỷ XX, năm 1910, dân số thế giới mới có 1,58 tỷ người. Giả sử 1,6 tỷ. Hôm nay chúng ta là 7,6 tỷ. Đến năm 2050, ước tính chúng ta sẽ có 10,3 tỷ người. Khi dân số là 10,3 tỷ tôi không muốn có mặt ở đó. Tôi muốn bạn chỉ cần tưởng tượng dân số thế giới tăng thêm 50% nữa, bạn có thể hình dung tất cả những vấn đề mà bạn sẽ phải đối mặt. Chúng ta biết chắc rằng con cái chúng ta không thể sống sung túc trên hành tinh này bằng cách sinh thêm con. Điều đó rất, rất quan trọng. Chúng ta phải hiểu tại sao điều này xảy ra, không phải chỉ vì sinh sản không kiểm soát. Không, điều đó không đúng, nó được kiểm soát. Đơn giản là vì tuổi thọ của chúng ta đang tự kéo dài. Thật tuyệt vời. Ví dụ, ở Ấn Độ, khi người Anh rời Ấn Độ, tuổi thọ của chúng ta là hai mươi tám tuổi. Có bao nhiêu bạn trên 25, 28? Tôi xin lỗi. Tất cả các bạn đã chết (Cười). Đó là ý nghĩa của nó. Tôi muốn các bạn hiểu, tuổi thọ đã từng là hai mươi tám, nay nó đã lên đến bảy mươi. Đó là một thành tựu phi thường trong bảy mươi năm độc lập (Vỗ tay). Vậy khi chúng ta nắm lấy cái chết trong tay, thì chúng ta không nên nắm lấy cái sinh trong tay mình hay sao? Tôi không đề xuất bất kỳ triết lý nào. Tôi chỉ đang nói về số học đơn giản. Phải không? Khi chúng ta nắm lấy cái chết trong tay, lẽ nào chúng ta không nắm lấy cái sinh trong tay mình. Nếu chúng ta không làm điều đó, nếu chúng ta không kiềm chế dân số một cách có ý thức, thiên nhiên sẽ làm điều đó với chúng ta một cách rất tàn nhẫn. Bạn muốn đợi đến ngày đó? Bạn có thể. Nhưng đã là con người thì sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta làm điều đó một cách có ý thức, phải không?

1 Comment (+add yours?)

  1. Trackback: Về vấn đề phá thai | nicolethuhuong

Leave a comment